Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nội dung trên dự kiến sẽ được đưa vào Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo các nước Nhật Bản, Australia và các quốc gia ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) ngày 11/10.
Tuyên bố chung sẽ bao gồm kế hoạch hành động 10 năm cho từng lĩnh vực, với một trong những trọng điểm là xây dựng quy tắc tính toán và báo cáo lượng khí thải carbon cũng như các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhật Bản sẽ đề xuất các quy tắc dựa trên Luật Thúc đẩy các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu của nước này, yêu cầu các doanh nghiệp tính toán lượng khí thải và báo cáo cũng như công khai thông tin cho chính phủ. Các doanh nghiệp sử dụng tổng lượng năng lượng quy đổi sang dầu thô trên 1.500 kilolít/năm phải tuân thủ quy định này. Tính đến năm tài chính 2021, khoảng 12.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã được đưa vào danh sách trên.
Trong khu vực ASEAN, các hệ thống tính toán và báo cáo lượng khí thải đáng tin cậy quốc tế vẫn chưa được phát triển đầy đủ. Bộ Môi trường Nhật Bản đã tổ chức các khóa đào tạo tại Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam để giới thiệu phương thức của nước này. Do đó, dựa trên sự đồng thuận trong Tuyên bố chung, dự kiến trong tháng 10, Nhật Bản sẽ thành lập một hệ thống hỗ trợ thông qua Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) do chính phủ nước này tài trợ, để giúp triển khai các quy định. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ bắt đầu khảo sát cụ thể tại các doanh nghiệp và truyền đạt kinh nghiệm đến chính phủ các nước trong khu vực.
Kế hoạch hành động sẽ bao gồm lộ trình báo cáo tiến độ chuẩn bị tại Hội nghị thượng đỉnh AZEC năm 2026 và mục tiêu là đến giai đoạn 2029 - 2034, các quốc gia sẽ có hệ thống tính toán và báo cáo lượng khí thải đồng bộ. Hiện nay, một số doanh nghiệp khởi nghiệp của Nhật Bản đang tiến hành triển khai phần mềm giúp minh bạch hóa lượng khí thải cho các doanh nghiệp địa phương như Zeroboard tại Thái Lan, hay Asuene tại Singapore.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động xuyên quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, việc mỗi quốc gia áp dụng một hệ thống tính toán và báo cáo lượng khí thải khác nhau là một gánh nặng. Nếu các quy tắc này được thống nhất, việc nắm bắt lượng khí thải trên toàn chuỗi cung ứng sẽ trở nên dễ dàng hơn và sẽ hỗ trợ Nhật Bản xây dựng cơ sở cho việc phát triển thị trường liên quan đến giảm khí thải carbon ở châu Á.
Hồi tháng 5/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó các khoản phí sẽ được áp dụng cho lượng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất các sản phẩm nhập khẩu, nhằm cân bằng điều kiện cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất tại EU - châu lục vốn đang áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn về giảm khí thải carbon. Quy định này dự kiến sẽ được áp dụng chính thức từ năm 2026.
Phạm Tuân (TTXVN)