Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

Ra đời vì số lượng người đi tàu quá tải

Tàu điện phục vụ mọi tầng lớp từ người lớn, trẻ nhỏ, người già đến người lao động, du học sinh. Hàng ngày, tàu điện giúp hàng triệu người đến trường, đi làm và di chuyển trong cuộc sống thường nhật. Với tần suất hoạt động cao, chính xác về giờ giấc, tàu điện là phương tiện mà người Nhật không thể thiếu.

Theo số liệu khảo sát mới nhất, mật độ dân số của Tokyo là 6402,6 người/km2. Mỗi buổi sáng, hàng triệu người dân Tokyo chen chúc trên những chuyến tàu để đi làm. Hầu hết hành khách phải đứng, thường bị ép chặt vào nhau để có thể kịp đến chỗ làm.

Mạng lưới tàu điện ngầm Tokyo cũng đáng ngạc nhiên với khả năng vận chuyển. Ở Tokyo có 13 tuyến tàu điện ngầm, 220 nhà ga, tổng chiều dài 312,6km. Trên mỗi một đường ray, mỗi tàu vào ga cách nhau chỉ khoảng 5 phút giờ cao điểm và xuất phát cách nhau khoảng 2 - 3 phút mỗi chuyến. Theo thống kê, trung bình khoảng 24 chuyến tàu rời bến/giờ, cùng một lộ trình. Nhưng con số này vẫn chưa thể đáp ứng được lượng hành khách vào giờ cao điểm buổi sáng của Tokyo. Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản thì gần như tất cả các trạm tàu điện ngầm Tokyo hoạt động ở mức… quá tải, một vài trạm còn hoạt động tới 200% công suất.

Những nhân viên “oshiya” có nhiệm vụ đẩy, nhồi nhét được nhiều khách nhất có thể vào mỗi chuyến tàu.

“Cái khó ló cái khôn”, cũng từ đó mà một nghề độc lạ ra đời có tên là “oshiya”. Theo đó, để bảo đảm các chuyến tàu có thể chuyên chở một lượng lớn hành khách và vẫn chạy đúng giờ, đơn vị quản lý hệ thống tàu điện ngầm Nhật Bản Japan Rail đã tuyển dụng những nhân viên “oshiya” hay còn gọi là “pusher” với nhiệm vụ duy nhất là đẩy, nhồi nhét được nhiều khách nhất có thể vào mỗi chuyến tàu.

Mọi người sẽ bị nhồi nhét vào cabin, dĩ nhiên với ngay cả hành khách điều này là rất không thoải mái và thậm chí cực kỳ khó chịu. Không ít những chuyến tàu chứng kiến cảnh cặp vợ chồng ngất xỉu vì nóng hoặc thiếu oxy. Nhưng, bù lại bạn may mắn là 10% số hành khách có mặt trên khoang còn các nhà ga cũng bớt đông đúc đi phần nào, hạn chế tình trạng móc túi, hoả hoạn hoặc tranh chấp…

Ngành nghề chỉ có tại Nhật Bản

Có thể nói, nhân viên hỗ trợ tàu điện ngầm là ngành nghề chỉ có tại Nhật Bản. Họ không cần kiểm tra an ninh, hành lý của khách, cũng không có nhiệm vụ giữ trật tự tại ga hay giải đáp những khúc mắc của hành khách. Những gì họ phải làm hoàn toàn là lao động chân tay: đẩy hành khách vào những toa tàu đã chật kín. Trong trường hợp số lượng bị quá tải, họ buộc phải kéo một vài người xuống để bảo đảm rằng cửa tàu được đóng chắc chắn và rời đi đúng giờ...

Với mục đích duy nhất là cố gắng nhồi nhét được nhiều hành khách nhất có thể vào mỗi chuyến tàu điện ngầm trước khi xuất phát, nhiệm vụ của các “oshiya” tưởng như nhàn nhã, vì chỉ tập trung khoảng 90 phút mỗi ngày, nhưng phải cực kỳ tập trung và chịu được sức ép “tứ phía”.

Các “oshiya” cần phải qua khóa đào tạo 6 tháng, để khi đối diện với đám đông và nhiều tình huống phức tạp khác nhau, các “oshiya” phải thích nghi với hoàn cảnh và tìm ra giải pháp tối ưu cho vấn đề càng sớm càng tốt. Việc đẩy hành khách không thể làm tự do. Phương pháp đẩy sai có thể khiến hành khách bị ngã, vị trí đặt tay không phù hợp sẽ khiến người đi tàu cảm thấy khó chịu và có thể bị coi là hành vi quấy rối. Nhưng cũng chính nhờ đội ngũ này mà Cơ quan quản lý hệ thống tàu điện ngầm Nhật Bản Japan Rail vốn nổi tiếng thế giới vì tính ưu việt và đúng giờ, qua công tác tuyển dụng thiết thực, hữu ích này càng tạo được ấn tượng.

Ga tàu đông đúc mỗi buổi sáng. (Ảnh: Amusing Planet)

Công việc nghe tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn khi đòi hỏi rất nhiều kỹ năng bên cạnh sức khỏe tốt. Thứ nhất, các oshiya lưu ý cần dùng hai tay để đẩy khách, áp lực đẩy bằng hai tay sẽ cân bằng hơn so với đẩy bằng một tay, cả khách và “oshiya” đều sẽ không bị mất cân bằng và ngã ra đường. Thứ hai, “oshiya” chỉ có thể đẩy vai, lưng hoặc một phần bắp tay của khách hàng lên tàu, tuyệt đối tránh chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể khách. Thứ ba, chân trụ trên mặt đất của “oshiya” phải thật chắc chắn sau đó dồn lực vào cả 2 tay để giúp hành khách không bị mất đà cũng như bị chính những hành khách đẩy họ vào trong tàu. Cuối cùng, họ phải liên tục hô to để thông báo cho mọi hành khách cũng như người lái tàu biết khi nào có thể khởi hành tránh rủi ro tai nạn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, “oshiya” sẽ treo cờ và phát tín hiệu bằng đèn cho các kỹ sư tàu khi tàu sẵn sàng và an toàn để rời bến. Các “oshiya” sẽ nói chuyện với khách bằng ngôn từ lịch sự, trang trọng, đồng thời luôn đeo găng tay trắng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Có thông tin cho rằng mức lương hàng năm của những “oshiya” đẩy tàu điện ngầm khoảng 840 triệu đồng. Thậm chí, các “oshiya” được trả mức lương hàng năm là khoảng 1,1 tỷ đồng để làm công việc kỳ lạ này. Như vậy, tiền lương hàng tháng của họ lên tới 70 - 95 triệu đồng. Điều đáng nói là hầu hết nhân viên hỗ trợ tàu điện ngầm của Nhật Bản làm việc toàn thời gian, nhưng một số nơi cũng tuyển dụng các công nhân bán thời gian.

Những người hỗ trợ giúp hành khách lên kịp chuyến tàu. (Ảnh: SoraNews)

“Oshiya” tưởng chừng là một phát minh của người Nhật Bản, song thực ra nghề này là một phát minh có nguồn gốc từ TP New York gần một thế kỷ trước. Những người làm nghề này thậm chí bị hành khách “ghét ra mặt” bởi được xem như những kẻ “xô đẩy hành khách” một cách… bạo lực. Báo chí thậm chí ví các “oshiya” là những nhân viên “đóng hộp cá mòi”. Những tít bài báo kiểu như “Nhân viên bảo vệ tàu điện ngầm sợ hãi vì sợ hành khách chém” hay “Nhân viên tàu điện ngầm New York va chạm với hành khách” chẳng có gì là lạ lẫm ở các quốc gia này.

Còn ở Nhật Bản thời hiện đại, du khách có thể thấy các nhân viên “hòa nhã” hơn, tuy nhiên đôi lúc họ vẫn đẩy hết sức mình và có thể làm khách thấy khó chịu. Không ít người cho rằng công việc này buộc các nhân viên phải đẩy một cách thô lỗ. Trên thực tế, công việc đẩy khách lên tàu cũng đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Một số người cho rằng nó giúp duy trì trật tự và ngăn ngừa tai nạn, trong khi những người khác chỉ trích nó là một trải nghiệm khó chịu và mất nhân tính. Hiện nghề đẩy khách đã trở nên lỗi thời vì các đoàn tàu dần áp dụng công nghệ cửa tự động khiến việc nhồi nhét hành khách là điều không thể.

T.H