Tổng quan về Tỉnh Trà Vinh

I. Điều kiện tự nhiên

Trà Vinh với diện tích tự nhiên là 2.341 km², gồm 1 thành phố và 7 huyện, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu và ở phía Đông Nam của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc tiếp giáp tỉnh Bến Tre, phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Đông giáp biển với chiều dài bờ biển 65 km, mặt giáp biển thông qua 3 cửa sông chính là Cổ Chiên, Cung Hầu và Định An. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.

Dân số toàn tỉnh 1,007 triệu người, dân tộc Kinh chiếm 69%, dân tộc Khmer 29%, còn lại là dân tộc Hoa, Ấn,…
   
Nguồn nhân lực: Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 63,66% và lao động có tay nghề chiếm 20%. Hệ thống đào tạo của tỉnh gồm 01 trường Đại học, các Trường Cao đẳng Dạy nghề, Cao đẳng Y tế, Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ, Trung tâm Công nghệ thông tin quốc tế NIIT và các cở sở dạy nghề với nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau, hàng năm cung ứng nhân lực có chất lượng cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Về giao thông: Hệ thống giao thông của tỉnh chủ yếu là đường bộ và đường thuỷ. Trà Vinh cách thành phố Hồ Chí Minh 130 km đi theo Quốc lộ 1A và Quốc lộ 60; cách thành phố Cần Thơ 70 km và biên giới Việt Nam – Camphuchia 230 km đi theo Quốc lộ 54 và Quốc lộ 91 (Cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang).
Đường thủy là tuyến giao thông quan trọng của tỉnh như sông Cổ Chiên và sông Hậu. Trà Vinh cách thành phố Hồ Chí Minh 146 km theo tuyến sông Cổ Chiên – Chợ Lách – Mỹ Tho (Sông Tiền); cách thành phố Cần Thơ 99 km theo tuyến sông Cổ Chiên – Măng Thít – Sông Hậu.

Điện – nước: Đang triển khai xây dựng Trung tâm Điện lực Duyên Hải công suất  4.400 MW, sau khi hoàn thành sẽ hòa vào lưới điện quốc gia đáp ứng công suất cung cấp điện theo nhu cầu của phát triển sản xuất; Nhà máy nước tại thành phố Trà Vinh có công suất cấp nước 36.000 m³/ngày đêm. Tại huyện Duyên Hải chuẩn bị đầu tư thêm một nhà máy nước có công suất 10.000 m³/ngày đêm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện, nước  phục vụ sản xuất cho nhà đầu tư tại các khu công nghiệp và khu kinh tế.

Dịch vụ viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm: Các dịch vụ bưu chính viễn thông, internet, các mạng điện thoại di động, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm của các hãng có uy tín đều hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Nông nghiệp – thủy sản: Diện tích lúa gieo trồng cả năm 232.635 ha, sản lượng lúa đạt 1.155.964 tấn, lúa đặc sản chiếm 30% và diện tích trồng cây ăn quả 10.171 ha với sản lượng 173.000 tấn/năm.

Diện tích rừng và đất rừng là 6.745,48 ha chủ yếu nằm dọc bờ biển. Trữ lượng cát sông 151.574.000 m³, trữ lượng đất sét gạch ngói hơn 314.359.000 m³.
Tài nguyên biển và thủy hải sản của Trà Vinh có tiềm năng rất lớn, các loài thủy hải sản sinh sống tại đây điều có giá trị kinh tế. Diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 49.523 ha (tôm và cá da trơn), sản lượng hàng năm  khoảng 146.000 tấn. Diện tích nuôi trồng vùng nước ngọt khoảng 13.000 ha, sản lượng cá da trơn đạt 15.000 tấn. Đáp ứng cho nhu cầu của các dự án đầu tư chế biến nông – lâm – thủy sản xuất khẩu chất lượng cao.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh được sản xuất từ nguồn nguyên liệu của địa phương gồm thủy sản (đặc biệt là tôm và cá da trơn) nông sản, thực phẩm, các sản phẩm chế biến từ cây dừa và các sản phẩm khác như dược phẩm, may mặc, đặc biệt là hóa chất cơ bản, bản in offset theo công nghệ CTP (sản phẩm sản xuất trong khu công nghiệp Long Đức) đã mở rộng thị trường đến 34 quốc gia và vùng lãnh thổ.

II.Tiềm năng phát triển

Tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, với 2 cửa Cung Hầu và Định An, là 2 cửa sông quan trọng của vùng ĐBSCL thông thương qua biển Đông với cả nước và quốc tế nên giao thông đường thủy có điều kiện phát triển.

Với 65km bờ biển, Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu mát mẻ, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, bão; nhiều danh lam thắng cảnh như khu du lịch biển Ba Động, Cồn Nghêu, các chùa Khmer với nhiều lễ hội... là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và các ngành kinh tế biển khác.

Về nông nghiệp, Trà Vinh sở hữu tiềm năng về đất đai với hơn 108 ngàn ha đất trồng cây hàng năm, trong đó có gần 99.000 ha đất trồng lúa. Tỉnh cũng đã triển khai thành công mô hình cánh đồng lúa mẫu lớn, năng suất và chất lượng lúa phục vụ xuất khẩu ngày càng tăng... Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, Trà Vinh đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp: vùng chuyên canh cây ăn quả, đặc biệt là cây dừa sáp ở huyện Cầu Kè; vùng nuôi tôm sú ở các huyện ven biển như Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và một phần của huyện Châu Thành; nuôi cá da trơn ở các huyện ven sông Hậu như Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long và Tp.Trà Vinh.

Về tiềm năng thủy - hải sản, Trà Vinh có 65 km bờ biển, thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Tổng diện tích nuôi hơn 51.600 ha, trong đó trên 29.000 ha nuôi tôm sú. Tổng sản lượng thuỷ, hải sản hằng năm bình quân đạt 163.000 tấn, trong đó khai thác sông, biển 60.000 tấn; nuôi trồng 88.400 tấn; khai thác nội đồng 14.900 tấn. Nói chung, tiềm năng thuỷ, hải sản của Trà Vinh là rất lớn. Hiện tại năng lực chế biến xuất khẩu của nhà máy chế biến thủy hải sản trong tỉnh mới đạt khoảng 60% sản lượng nên nhu cầu về đầu tư chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu đang rất cần thiết.

Về công nghiệp, thương mại và du lịch, Trà Vinh có thế mạnh về các sản phẩm chế biến thủy sản, xay xát lương thực, chế biến dừa, vật liệu ngành in, giày da, mía đường, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề… Một số ngành chủ lực của tỉnh gồm: chế biến thủy sản, chế biến dừa, xay xát lương thực...Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đặc biệt là tôm và cá da trơn, nông sản, thực phẩm, các sản phẩm chế biến từ dừa… đã vươn tới thị trường 34 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trà Vinh còn là tỉnh giàu tiềm năng phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều lễ hội mang đậm nét văn hoá dân tộc với 141 ngôi chùa Khmer theo kiến trúc độc đáo, vừa là nơi giao lưu văn hoá, vừa là những điểm hẹn hấp dẫn riêng có cho du khách trong và ngoài nước.

Đồng hành cùng tiến trình CNH - HĐH sôi động của cả nước, Trà Vinh cũng đang trên đường đổi thay toàn diện, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc. Các quốc lộ được nâng cấp, mở rộng, nhất là hơn 50 km QL 53 đã được Chính phủ phê duyệt nâng cấp lên đủ cho 4 làn xe ô tô. Đặc biệt gần đây, nhiều công trình lớn cấp quốc gia được triển khai đầu tư tại Trà Vinh đã tạo những bước đột phá quan trọng có tính chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2009, Chính phủ quyết định thành lập KKT Định An với tổng diện tích 39.020 ha, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh nhà. Đặc biệt với nhiều công trình trọng điểm đang được triển khai như Dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (bảo đảm cho tàu có trọng tải 20.000 tấn) xuyên qua địa phận tỉnh Trà Vinh thông với biển Đông nối liền với cảng Cái Cui (Cần Thơ) và hệ thống các cảng lớn khu vực ĐBSCL dự kiến thông luồng năm 2014 - 2015 sẽ đưa Trà Vinh trở thành cửa ngỏ quan trọng trong vận chuyển hàng hóa đến các cảng trong nước và quốc tế.

Với dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải công suất 4.400 MW, tháng 11/2015 hoàn thành Nhà máy 1 với công suất 1.200 MW, khi hòa vào lưới điện quốc gia bảo đảm cung cấp điện ổn định cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó việc hoàn thành cầu Cổ Chiên vào tháng 7/2015 và các dự án nâng cấp QL 53, 54, 60 đảm bảo lưu thông các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, giúp rút ngắn thời gian và khoảng cách từ Trà Vinh đến Tp.HCM còn 130 km với hơn hai giờ đi bằng xe ô tô theo tuyến QL 60 và cách Tp.Cần Thơ khoảng 70 km theo QL 54.Có thể khẳng định tiềm lực phát triển KT - XH của Trà Vinh đã và đang được khơi dậy, đánh thức và khai thác hiệu quả. Đây cũng chính là nền tảng vững vàng đưa Trà Vinh nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.

(theo www.travinh.gov.vn)

Tin cũ hơn